Celeste Headlee: 10 ways to have a better conversation
Ghi chép lại từ bài nói của Celeste Headlee trên TED. Bài nói ngắn gọn và khá dễ nghe. Có subtitle và transcript.
Celeste Headlee là một người dẫn chương trình lâu năm, với kinh nghiệm phỏng vấn rất nhiều người đến từ các tầng lớp, vị trí khác nhau trong xã hội. Cô chia sẻ về 10 nguyên tắc mà bản thân cô áp dụng khi trò chuyện với người khác để có một cuộc trò chuyện thú vị.
Thứ nhất: Không phân tâm
Không sử dụng điện thoại trong lúc trò chuyện với người khác, không phân tâm vào các ý nghĩ khác như tối nay ăn gì, công việc hôm nay thật tệ, v.v. Hãy hết mình với cuộc trò chuyện. Nếu không muốn tiếp tục, hãy dừng lại. Đừng nửa vời.Thứ hai: Không trò chuyện với tư thế rằng mình luôn đúng
Luôn luôn bắt đầu cuộc trò chuyện với suy nghĩ rằng mình sẽ học được một điều gì đó, như Bill Nye từng nói: "Bất cứ người nào bạn gặp cũng biết một vài thứ mà bạn không biết". Với ý nghĩ rằng lúc nào mình cũng đúng, bạn sẽ không thu hoạch được gì từ cuộc trò chuyện, và đó là thiệt thòi cho chính bản thân bạn.Thứ ba: Sử dụng câu hỏi mở
Nếu bạn sử dụng các câu hỏi như "Bạn thích quyển sách đó phải không?", bạn sẽ thường nhận được một câu trả lời ngắn gọn "có" hoặc "không". Bạn sẽ không thu được thông tin gì đáng kể. Đừng mô tả cảm xúc, suy nghĩ thay cho người được hỏi. Thay vào đó hãy dùng những câu hỏi như "Cảm nhận của bạn về cuốn sách đó thế nào?". Khi đó, người được hỏi sẽ phải suy nghĩ một chút về câu hỏi và nói lên suy nghĩ của họ, và khả năng cao bạn sẽ nhận được một câu trả lời thú vị.Thứ tư: Hòa mình với dòng chảy của cuộc trò chuyện
Khi trò chuyện, có những ý nghĩ bất chợt đến trong đầu, tuy nhiên không phải lúc nào những ý nghĩ đó cũng phù hợp với cuộc trò chuyện đang diễn ra. Hãy để những ý nghĩ đó rời đi và hòa mình với những gì đang diễn ra.Thứ năm: Hãy nói không biết khi mình không biết
Không ai biết tất cả mọi thứ. Hãy thành thật. Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không họcThứ sáu: Đừng đánh đồng trải nghiệm của bạn với người khác
Nếu người khác nói với bạn về một người thân vừa qua đời, đừng bắt đầu kể lể về quãng thời gian bạn mất người thân. Nếu người khác nói về những khó khăn gặp phải trong công việc, đừng nói với họ rằng bạn ghét công việc của mình thế nào. Những điều đó là không tương đồng. Không bao giờ! Những trải nghiệm vĩnh viễn mang tính cá nhân. Quan trọng hơn, trọng tâm của cuộc trò chuyện không phải về bạn. Đừng tận dụng cơ hội để quảng cáo về bản thân.Thứ bảy: Đừng lặp lại
Lặp đi lặp lại những gì bạn đã nói thực sự là nhàm chán. Nhưng chúng ta vẫn thường làm vậy, nhất là khi trò chuyện với đồng nghiệp hay con trẻ. Chúng ta có một quan điểm và chúng ta lặp đi lặp lại điều đó dưới nhiều cách khác nhau. Đừng làm vậy.Thứ tám: Bỏ qua những thông tin không cần thiết
Mọi người thường không quan tâm đến những con số như ngày, tháng, tên tuổi, những thứ mà ngay cả bạn cũng cảm thấy khó nhớ. Họ quan tâm về bạn, về những gì bạn thích, những điểm chung giữa họ và bạn. Vì thế hãy quên những chi tiết thừa thãi đi, bỏ chúng ra khỏi câu chuyện.Thứ chín: Lắng nghe
Đây là điều quan trọng nhất. Chúng ta thường thích nói hơn là lắng nghe vì khi đó chúng ta có cảm giác mình kiểm soát được câu chuyện, chúng ta không phải nghe những điều người khác nói mà chúng ta không thích, chúng ta là trọng tâm của câu chuyện. Tuy nhiên nếu chúng ta không lắng nghe, chúng ta không thực sự trò chuyện. Hãy lắng nghe để thấu hiểu thay vì lắng nghe để phản hồi.Thứ mười: Ngắn gọn
"Một cuộc trò chuyện thú vị giống như một chiếc váy ngắn vậy: vừa đủ ngắn để thu hút, vừa đủ dài để cover những thứ cần thiết."
Và tất cả những điều trên tập hợp lại trong một khái niệm cơ bản: Hãy quan tâm tới người đối thoại. Mỗi người đều có những điểm thú vị, đáng kinh ngạc của riêng mình. Hãy cởi mở, trò chuyện với mọi người, lắng nghe họ và chuẩn bị cho những điều thú vị bạn sẽ gặp.