Các vị thần của Ai Cập cổ đại
Mới đi xem phim Các vị thần Ai Cập (Gods of Egypt) nên viết một bài tìm hiểu về các vị thần của người Ai Cập cổ đại. Thông tin được trích dịch từ website Ancient Egypt: Gods & Goddesses.
Amun
Amun là một trong những vị thần mạnh nhất của Ai Cập. Vào thời kì hoàng kim của nền văn minh Ai Cập cổ đại, Amun được xưng là "vua của các vị thần".
Amun là một vị thần quan trọng xuyên suốt lịch sử Ai Cập cổ đại. Amun thậm chí có thể hợp nhất với thần mặt trời Ra, trở thành Amun-Ra với sức mạnh vượt trội.
Anubis
Anubis là vị thần của việc ướp xác và cai quản thế giới người chết.
Anubis có đầu giống chó rừng. Vì người AI Cập thường thấy những con chó rừng lang thang trong những hầm mộ nên họ tin rằng Anubis giám sát thế giới của người chết.
Anubis là người giúp ướp xác thần Osiris sau khi bị Seth giết chết. Vì thế Anubis đồng thời là vị thần của việc ướp xác. Các thầy tế thường đeo mặt nạ thần Anubis trong lễ ướp xác.
Aten
Aten là một hình thái của thần mặt trời Ra.
Dưới triều đại Akhenaten, Aten được xưng danh là vua của các vị thần.
Atum
Atum là vị thần sáng tạo. Người Ai Cập cổ đại tin rằng Atum là vị thần đầu tiên xuất hiện trên trái đất, khởi nguyên từ dòng nước hỗn độn (Nun) và sau đó sáng tạo ra tất cả các vị thần khác.
Bastet
Bastet là nữ thần bảo vệ, con gái của thần mặt trời Ra.
Bastet thường thấy là một nữ thần đầu mèo hiền lành. Tuy nhiên, nữ thần đôi khi xuất hiện với cái đầu sư tử để bảo vệ nhà vua trong các trận chiến.
Mèo là biểu tượng của Baster. Những người Ai Cập cổ đại đã làm rất nhiều những bức tượng mèo như dưới đây để tôn vinh Bastet.
Bes
Bes là thần bảo hộ của các phụ nữ mang bầu, trẻ sơ sinh và gia đinh. Bes có hình dạng của một người lùn khoác bộ da sư tử.
Người Ai Cập cổ đại cũng tin rằng thần Bes bảo vệ họ khỏi những vết cắn của rắn và bọ cạp.
Bùa hộ mạng mang hình thần Bes rất phổ biến trong xã hội Ai Cập.
Geb
Geb là thần Mặt Đất.
Geb là chồng và anh trai của nữ thần Bầu Trời Nut. Là cha của Osiris, Isis, Nepthys và Seth.
Khi Seth và Horus đánh nhau để tranh ngai vàng, Geb đã giúp Horus trở thành vua của thế giới người sống.
Người Ai Cập cổ đại tin rằng các trận động đất là nụ cười của thần Geb.
Hapy
Hapy là vị thần của lũ lụt.
Thần Hapy đặc biệt quan trọng với người Ai Cập cổ đại vì những cơn lũ hàng năm ngài mang lại. Cơn lũ làm cho hai bờ sông Nile đầy phù sa giúp cho những người Ai Cập có thể trồng trọt.
Hathor
Hathor là một nữ thần bảo vệ. Nàng cũng là nữ thần của tình yêu và niềm vui.
Hathor là vợ của thần Horus, và đôi khi được coi như là mẹ của pharaoh.
Horus
Horus là một vị thần của bầu trời, có hình dạng của một người đàn ông với đầu của đại bàng hoặc có thể biến thân thành đại bàng.
Với vai trò là thần bảo hộ và trị vì Ai Cập, Horus có lẽ là vị thần được biết tới nhiều nhất. Những người Ai Cập tin rằng pharaoh là hiện thân của thần Horus.
Người Ai Cập cổ đại có rất nhiều tín ngưỡng về thần Horus. Một trong những tín ngưỡng phổ biến nhất cho rằng Horus là con trai của Isis và Osiris. Sau khi Osiris bị giết bởi người anh em Seth, Horus đánh nhau với Seth để giành ngai vàng của Ai Cập.
Trong trận chiến đó, Horus bị mất một mắt. Con mắt sau đó được phục hồi và trở thành biểu tượng của sự bảo vệ cho người Ai Cập cổ đại. Sau trận chiến, Horus được lựa chọn trở thành người trị vì thế giới của những người sống.
Con mắt của Horus
Isis
Isis là một nữ thần bảo vệ. Nàng sử dụng pháp thuật mạnh mẽ của mình để giúp mọi người.
Isis là vợ của Osiris và là mẹ của Horus. Bởi vì pharaoh được coi là hiện thân của Horus nên nữ thần Isis có vai trò rất quan trọng.
Isis thường xuất hiện với hình tượng giữ Horus trên đùi. Hình ảnh Isis gắn liền với ngai vàng vì Isis là "ngai vàng" đầu tiên mà Horus ngồi lên.
Khepri
Khepri là vị thần của sự sáng tạo, hành trình của mặt trời, và tái sinh. Khepri có hình dạng của người đàn ông với đầu là một con bọ hung. Một hình dạng khác của Khepri là con bọ hung.
Bọ hung vê phân thành một quả cầu rồi đẻ trứng vào đó. Sau đó nó lăn quả cầu đi khắp nơi cho đến khi những những con bọ hung con nở ra. Khi những con bọ nhỏ phá vỡ trứng, chúng sẽ bò ra khỏi quả cầu phân.
Người Ai Cập cổ đại tin rằng những con bọ xuất hiện từ hư không - cũng như họ tin rằng vị thần sáng tạo xuất hiện từ hư không. Vì vậy, họ coi bọ hung là một loài vật đặc biệt.
Trong những truyền thuyết khác nhau, Khepri được liên hệ tới thần Atum và thần mặt trời Ra.
Khnum
Khnum là một vị thần sáng tạo, cũng là vị thần của lũ lụt.
Khnum nặn ra con người trên một chiếc bàn xoay của thợ gốm. Do những người thợ gốm sử dụng bùn từ sông Nile nên Khnum cũng được kết nối tới những cơn lũ hàng năm.
Ma'at
Ma'at là nữ thần của sự thật, công lý và sự hòa hợp. Nàng gắn liền với sự cân bằng của mọi vật trên trái đất.
Ma'at là con gái của thần mặt trời Ra.
Nhiều phù điêu trên tường thể hiện hình ảnh các pharaoh làm lễ của Ma'at tới các vị thần - thể hiện rằng họ đang duy trì công lý và sự hài hòa trên trái đất.
Tể tướng, người chịu trách nhiệm xử án, được biết tới như là "tư tế của Ma'at".
Nephthys
Nephthys là thần bảo vệ của những người chết.
Nephthys là chị em với Isis và Osiris, cũng là chị em và vợ của Seth. Nephthys là mẹ của Anubis.
Hình tượng Nephthys thường được thấy trên quan tài hoặc trong các lễ tang.
Nun
Theo truyền thuyết của người Ai Cập cổ đại, Nun là dòng nước hỗn độn. Nun là tồn tại duy nhất trên thế giới trước khi có đất liền. Rồi sau đó mảnh đất đầu tiên (dưới hình dáng một gò đất) nhô lên từ Nun.
Nun cũng gắn liền với sự hỗn độn tồn tại ở biên của vũ trụ.
Nut
Nut là nữ thần bầu trời, cơ thể của nàng tạo thành bầu trời che phủ mặt đất.
Nut là chị em / vợ của Geb, thần đất. Nut là mẹ của các vị thần Isis, Osiris, Nepthys và Seth.
Người Ai Cập cổ đại tin rằng kết thúc mỗi ngày, Nut sẽ nuốt thần mặt trời Ra, và sinh ra thần Ra một lần nữa vào sáng hôm sau.
Osiris
Osiris là vị thần của những người chết và là người cai quản địa ngục.
Osiris là anh em / chồng của Isis, anh em của Nepthys với Seth, và là cha của Horus.
Không chỉ là vị thần của những người chết, Orsiris còn là vị thần của sự phục sinh và sinh sản. Người Ai Cập tin rằng Osiris đã ban tặng cho họ lúa mạch, loại cây trồng quan trọng nhất của họ.
Ptah
Ptah và vị thần của những người thợ thủ công.
Có truyền thuyết cho rằng Ptah là một vị thần sáng tạo. Ngài lên tiếng và thế giới được tạo ra.
Ra
Ra là thần mặt trời và là vị thần quan trọng nhất đối với người Ai Cập cổ đại.
Những người Ai Cập cổ đại tin rằng thần Ra hàng đêm bị Nut, nữ thần bầu trời, nuốt chửng và tái sinh vào sáng hôm sau.
Họ cũng tin rằng hàng đêm thần Ra đi qua địa ngục. Tại đây, Ra xuất hiện dưới hình dáng của một người đàn ông với cái đầu của một con cừu đực.
Ra-Horakhty
Ra-Horakhty là sự kết hợp giữa thần mặt trời Ra và thần bầu trời Horus. Vì vậy, Ra-Horakhty được coi là vị thần đại diện cho mặt trời mọc.
Sekhmet
Sekhmet là nữ thần chiến tranh.
Seshat
Seshat là nữ thần của văn tự và đo lường
Seth
Seth là vị thần của sự hỗn loạn. Seth tượng trưng cho tất cả những thứ đe dọa đến sự hài hòa của Ai Cập.
Seth là anh em với Osiris và Isis, cũng là anh và là chồng của Nepthys. Seth sát hại Osiris và đánh nhau với cháu trai Horus để giành ngai vàng cai trị thế giới người sống.
Tại một số thời điểm trong lịch sử Ai Cập cổ đại, hình tượng của Seth được gắn liền với hoàng gia.
Shu
Shu là một vị thần bầu trời. Shu nâng đỡ thân hình của Nut, tách rời mặt đất và bầu trời.
Sobek
Sobek là vị thần của sông Nile, có hình dạng một người đàn ông với cái đầu của cá sấu.
Sobek gắn liền với sông Nile, và là người bảo vệ nhà vua. Những con cá sấu được nuôi trong các hồ nước trong các ngôi đền để tôn vinh Sobek.
Tawaret
Tawaret là nữ thần bảo hộ phụ nữ khi mang thai và sinh nở. Tawaret có đầu hà mã, chân tay của sư tử, lưng và đuôi của cá sấu, ngực và bụng của một người phụ nữ mang bầu.
Rất nhiều thần của người Ai Cập cổ đại được dựng đền thờ để tôn vinh. Một số thần như Tawaret hay Bes lại được thờ phụng trong nhà.
Đây là bùa hộ mệnh mang hình nữ thần Tawaret, thường được mọi người đeo hoặc giữ trong nhà.
Tefnut
Tefnut là nữ thần của độ ẩm, mưa và sương mù. Nàng có hình dạng của người phụ nữ với đầu của một con sư tử cái.
Tefnut là vợ của thần Shu, và là mẹ của thần Nut (bầu trời) và Geb (mặt đất).
Thoth
Thoth và vị thần của văn tự và tri thức (thần trí tuệ). Người Ai Cập cổ đại tin rằng Thoth đã ban cho họ chữ viết tượng hình. Hình tượng của Thoth cũng được gắn liền với mặt trăng.
Bùa hộ mệnh mang hình thần Thoth.
Kết
Số lượng các vị thần của Ai Cập cổ đại thực tế nhiều hơn, xem thêm ở đây. Mặc dù vậy có thể thấy hệ thống, quan hệ cũng như sự tích các vị thần của Ai Cập cổ đại khá giản đơn, nhiều chỗ thiếu đồng nhất khi so sánh với thần thoại Hy Lạp chẳng hạn.